Vì sao các startup Việt Nam – trong đó có Tiki, ưa thích thành lập doanh nghiệp tại Singapore?
Mới đây, thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Cục đã nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ của Công ty Tiki Global Pte. Ltd và Công ty cổ phần Tiki.
Theo hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Công ty Tiki Global Pte. Ltd dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần của Công ty cổ phần Tiki sau khi Công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.
Sau khi hoàn thành giao dịch tập trung kinh tế, Công ty Tiki Global Pte. Ltd sẽ giành được quyền kiểm soát, chi phối Công ty cổ phần Tiki.
Công ty Tiki Global Pte. Ltd được thành lập tháng 5/2021 theo pháp luật Singapore và chưa có bất cứ hoạt động kinh doanh nào trên thị trường Việt Nam. Chủ sở hữu duy nhất kiêm giám đốc của Tiki Global là bà Teo Shiot Lun Tessa mang quốc tịch Singapore.
Về phía Tiki, tính đến hết tháng 3/2021, cơ cấu cổ đông của công ty gồm ông Trần Ngọc Thái Sơn (sáng lập kiêm CEO) đang sở hữu 20,1% cổ phần. CTCP VNG, một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam sở hữu 20,2% cổ phần. Các cổ đông nước ngoài gồm JD.Com sở hữu 18,2%; Ubiquitous Traders 9,9%; Success Elite Holdings 4,5%; Finup Asia Investment I 3,7%… Các cổ đông nước ngoài hiện đang nắm giữ 49,4% cổ phần Ti Ki.
Tính đến hết năm 2019, Ti Ki đã lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2019, công ty lỗ ròng hơn 1.760 tỷ đồng, năm 2018 lỗ hơn 750 tỷ đồng, năm 2017 lỗ hơn 280 tỷ đồng. Riêng năm 2020, theo báo cáo thường niên của cổ đông chiến lược VNG, Tiki còn lỗ 4 tỷ đồng.
Theo đó, sau khi chúng tôi liên hệ với Tiki, họ trả lời “Tiki xin phép không bình luận gì về vấn đề này’. Tuy nhiên, theo suy đoán của nhiều người, thì Tiki Global Pte. Ltd được thành lập bởi nhiều cổ đông hiện tại của Tiki, nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch kêu gọi vốn cũng như IPO ở thị trường nước ngoài.
Trước Tiki, đã có rất nhiều startup Việt đã đăng ký thành lập công ty tại Singapore. Tại sao lại có xu hướng này và tại sao là Singapore?
THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP DỄ DÀNG VÀ CÓ NHIỀU ƯU ĐÃI
Trong một vài viết với tiêu đề “Vì sao tôi mở công ty ở Singapore?’ trên báo Tuổi Trẻ năm 2016, đã chỉ ra rất nhiều lý do khiến Singapre trở thành ‘thiên đường khởi nghiệp’ của Đông Nam Á.
Tại Singapore, tổng thời gian để tiến hành lập công ty tư nhân chỉ mất chưa đầy một tuần làm việc, số vốn tối thiểu là 1 đô Sing – SGD, có thể tăng thêm bất kỳ thời điểm nào sau khi công ty hoạt động.
Công ty phải do một công dân Singapore hoặc thường trú nhân hoặc một người có EP (employment pass, tạm hiểu là người có giấy phép lao động) đứng tên làm giám đốc. Phải có ít nhất một cổ đông, một thư ký, một địa chỉ xác định và tên của công ty phải được đăng ký và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu không có nhân sự, chúng ta có thể thuê người đứng tên làm Giám đốc và thuê luôn cả thư ký để lo các công việc giấy tờ của công ty sau này. Giá thuê giám đốc là 3.500 SGD/năm kèm theo 5.000 SGD đặt cọc. Thuế doanh nghiệp là 17%/năm nhưng nếu doanh thu công ty trong ba năm liền dưới 100.000 SGD, sẽ được miễn thuế.
Sau khi thành lập công ty tại Singapore, các hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài sẽ được công ty tại Singapore ký, lợi nhuận sẽ được chuyển vào tài khoản công ty Singapore, sau đó chính công ty Singapore sẽ ký hợp đồng gia công, thực hiện các yêu cầu hợp đồng với công ty ở Việt Nam và mọi nội dung của hợp đồng sẽ do công ty Việt Nam thực hiện.
Thuế doanh nghiệp ở Singapore thấp hơn ở Việt Nam nên làm điều này sẽ lợi hơn cho chủ doanh nghiệp. “Trong các hợp đồng ký với đối tác quốc tế khi xảy ra tranh chấp đều ghi là sẽ giải quyết tại tòa án của Singapore, điều này tạo cảm giác an tâm và thoải mái hơn nếu đề nghị giải quyết tranh chấp tại tòa án Việt Nam” – ông P.V.H., một giám đốc được thuê, cho biết.
Các công ty vừa và nhỏ (SME) ở Singapore còn được chính phủ cho phép tham gia những chương trình giảm trừ thuế: nếu doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị đúng theo chương trình hỗ trợ của chính phủ sẽ được khai vào chi phí của doanh nghiệp mà không phải đóng thuế; các thiết bị công nghệ thông tin: máy tính, máy in… nếu đúng quy định của chính phủ sẽ còn được hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần kinh phí mua thiết bị để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh công nghệ thông tin.
“Từ quan điểm của tôi, Chính phủ Singapore đã rất chủ động trong việc tạo ra các nguồn lực cũng nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp trong vài năm qua. Ở đó, chúng ta có thể thấy Chính phủ đặc biệt thiết lập rất nhiều tổ chức, quỹ đầu tư, quỹ tài trợ, trung tâm sáng tạo… kịp thời bổ trợ cho các startup trong nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.
Đây là đòn bẩy cần thiết giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đạt đến thành tựu gì đó. Công ty của tôi – Homage đã được hưởng lợi lớn từ những sáng kiến kể trên. Homage đã nhận được hỗ trợ 300.000 SGD từ Bộ Y tế Singapore, Quỹ DBS và Trung tâm Doanh nghiệp Xã hội Singapore trong thời gian đầu khởi nghiệp.
Nếu so sánh, tôi thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Singapore trưởng thành hơn ở Việt Nam.
Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/vi-sao-cac-startup-viet-nam-trong-do-co-tiki-ua-thich-thanh-lap-doanh-nghiep-tai-singapore-161212107083018397.htm